Xét tuyển IELTS

1 hay 10 phụ thuộc vào tiêu chí bạn chọn

by

Gần đây mạng xã hội rần rần việc thi tuyển lớp 10 bằng IELTS. Điều này gây ra nhiều tranh cãi trong việc đánh giá năng lực của một người chỉ thông qua năng lực tiếng Anh của họ. Nhân tiện 1 chủ đề khá hay này, tôi chia sẻ đôi chút “một câu chuyện có thật” của người chị tôi quen.

Sơ lược về pro5 của người chị: tốt nghiệp Kinh tế Quốc dân với tấm bằng khá, khéo ăn nói, không có nhiều kinh nghiệm trước khi bước chân vào ngân hàng H. Tính đến hiện tại, người chị này đã làm việc tại ngân hàng H được 6 năm và tự nhận xét bản thân “đã qua thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp”. Nghe xong hoảng quá, nhìn lại bản thân thấy mình không biết bao giờ mới lên đỉnh và có đỉnh để lên không :))

Bắt đầu kể từ ngày người chị ấy phỏng vấn thi tuyển vào ngân hàng H. Tôi nhớ là có tới 4-5 vòng gì đó. Trong đó, một vòng thi cũng có sự giúp đỡ của tôi. Tôi không nghĩ người chị lúng túng khi viết CV xin việc ấy lại tiến xa đến vậy trong sự nghiệp. Chị làm việc ở vị trí chuyên viên tín dụng khách hàng cá nhân. Rất nhanh chóng, chị đạt được những danh hiệu top 5 nhân viên xuất sắc tại Việt Nam, top 1 miền Bắc trong khoảng thời gian năm 2018-2020. Đã có lúc chị khoe với tôi là được một ngân hàng khác mời về làm giám đốc chi nhánh hay đại ý là một chức khá to mà tôi không còn nhớ chính xác. Lúc đó, chị cũng định nhờ tôi viết CV hộ. Tôi cũng đùa rằng, chưa thấy giám đốc nào mà CV còn không biết viết.

Đúng là chị ấy có nhiều thiếu sót, nhưng ở lĩnh vực chính của mình, chị ấy đã hoàn thành xuất sắc. Kèm với thành tích khủng, đó là thu nhập đáng mơ ước. Ấy vậy mà chưa quá 3 năm, ngân hàng H thay đổi cách tính chỉ tiêu, đâu đó 50% từ khách hàng cá nhân, 50% từ khách hàng doanh nghiệp. Chị tôi từ đó mà thành tích và thu nhập giảm đáng kể.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp chứng minh rằng ta chọn tiêu chí đánh giá nào thì kết quả ra sao.

Quay về vấn đề ở đầu bài viết: có nên dùng IELTS để xét tuyển thẳng vào lớp 10? Những ý kiến trái chiều nổ ra:

  • IELTS chỉ là công cụ, không đánh giá được năng lực học sinh
  • Người có năng lực mới biết dùng công cụ

Sếp tôi có quan điểm: ai làm tốt cái gì thì sẽ làm tốt cái khác. Từ đó suy ra được, sếp tôi đồng ý quan điểm ai giỏi IELTS sẽ giỏi cả các việc khác. Nhưng đôi khi tôi lại thấy: cùng một vấn đề, sếp tôi không đồng ý, sau một thời gian lại đồng ý – bối cảnh, nhận thức, tiêu chí đã thay đổi khiến quyết định thay đổi.

Vậy bạn có tò mò quan điểm của tôi không? Tôi đồng ý với quan điểm “ai làm tốt cái gì thì sẽ làm tốt cái khác” của sếp. Nhưng thứ chúng ta cần ràng buộc ở đây là bối cảnh, điều kiện, tiêu chí cần phải giống nhau. Chúng ta thường thấy, học sinh trong nội thành được tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, khả năng dùng tiếng Anh tốt hơn các học sinh ở vùng sâu vùng xa phải không? Hai đối tượng này có điều kiện tiếp cận ngôn ngữ khác nhau nên không thể dùng chung thước đo “tiếng Anh” để đánh giá. Nếu các em học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng học tiếng Anh từ sớm thì kết quả chưa chắc đã kém hơn học sinh thành thị.

Ngoài tiếng Anh, bạn muốn xét tuyển có thêm môn toán, văn? Bạn đã cho rằng đủ để đánh giá năng lực một người chưa? Năng lực của một người sẽ phản ánh qua 3 môn này? Rõ ràng là bắt đầu thấy cấn cấn rồi phải không bạn :)) Để phản ánh công bằng, toàn diện, chắc phải lôi hết các môn, các năng khiếu ra cùng thi và so sánh chăng.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Vậy nên hãy luôn suy nghĩ tích cực nhé các bạn!!!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *