Bản thân Vân là một người ham tìm hiểu thông qua thực tế, học hỏi kiến thức từ chính những người đi trước, những người giỏi hơn mình. Mình ít khi đọc sách và không thể hiện sự hứng thú đặc biệt nào trong việc học những kiến thức mang tính “lý thuyết”. Trong một lần học đào tạo leader của công ty và đọc cuốn MBA căn bản, mình mới nhận ra kiến thức lý thuyết quan trọng ra sao?
Để trở thành một người Quản lý, kinh nghiệm thôi là chưa đủ. Bởi lẽ kinh nghiệm bị giới hạn trong công việc bạn phụ trách, công ty và lĩnh vực bạn đang làm. Tương tự khi bạn học hỏi kinh nghiệm từ người khác, đó cũng là kinh nghiệm bị giới hạn trong một điều kiện nào đó của người ta. Do vậy bạn cần phải tỉnh táo, có năng lực đánh giá và ứng dụng phù hợp những kinh nghiệm đó cho bản thân.
Thực tế khi làm việc, mình vận dụng những kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân kết hợp với những điều học hỏi từ người khác. Kết quả là mình làm tốt những công việc mang tính triển khai và kế hoạch trong phạm vi nhỏ. Mình nhận thấy một người muốn tạo nên sự bứt phá trong sự nghiệp thì cần có sự đột phá về tư duy, có tầm nhìn mang tính chiến lược, bao quát. Đó là lúc mình nhận ra, ngoài lĩnh vực mà mình đã dày dặn kinh nghiệm là marketing và đang lấn sang mảng quản lý & phát triển phần mềm thì cần trang bị thêm kiến thức lý thuyết của các lĩnh vực nói chung. Bạn không thể quản lý một đội kỹ thuật mà không có chút hiểu biết gì về ngành nghề của họ, không thể quản lý một kế toán khi không nắm được những nghiệp vụ cơ bản,… Lúc đó bạn dễ bị nhân viên qua mặt và coi thường: không ai chịu làm lính cho một ông vua ngu dốt cả. Hãy trở thành một người Quản lý có tâm có tầm.
Nếu một vấn đề phát sinh, không có lý thuyết bạn sẽ chỉ dựa trên kinh nghiệm của bản thân để xử lý. Và nếu bạn chưa từng trải qua, chưa có kinh nghiệm về nó thì bạn sẽ loay hoay không biết phải làm gì. Nhưng nếu có lý thuyết, bạn có thể biết bắt đầu từ đầu.
Mình lấy một ví dụ dễ hiểu hơn nhé: Nếu bạn biết trong một tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương 2 cạnh góc vuông thì bạn sẽ áp dụng định lý đó để giải toán trong tất cả các trường hợp thỏa mãn điều kiện. Nhưng nếu bạn không biết thì sao, mỗi lần giải bạn sẽ phải đi chứng minh để tìm ra cái định lý luôn đúng đó hay giải được một bài nhưng không giải được các bài tương tự. Đến đây, bạn đã rõ vấn đề rồi chứ?
Nếu nhìn vấn đề qua lý thuyết, khả năng nhìn, nắm bắt thực tế sẽ được nâng lên đáng kể.
Nhưng tại sao các chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) hay EMBA (thạc sĩ điều hành cao cấp) thường yêu cầu có kinh nghiệm làm việc hoặc quản lý? Liệu chăng chúng ta nên học lý thuyết sau khi có thực hành?
Theo mình thì con đường tốt cho những bạn sinh viên đó là học lý thuyết cơ bản tại trường học, kết hợp với việc đi làm thực tập/bán thời gian tại một số công ty tức là vừa học vừa làm. Đó là cách để bạn học và ghi nhớ lý thuyết hiệu quả. Bản thân mình, cứ kỳ học nào đi làm là kỳ đó điểm cao. Bởi lẽ với ngành marketing của mình hay nhiều ngành khác của ĐH Kinh tế Quốc dân, bạn có thể mang tài liệu vào phòng thi. Vậy nên, mình chỉ cần đọc lướt và nắm được nội dung nào nằm ở đâu trong cuốn giáo trình là có thể ăn điểm cao các phần lý thuyết đó. Còn phần bạn sẽ cách biệt với những người khác đó chính là nêu lên thật nhiều dẫn chứng, ví dụ và giải quyết các tình huống thực tế. Mình sẽ lấy luôn các vấn đề mình gặp trong quá trình làm việc. Và đó là cách mình đạt điểm cao một cách khá nhàn. Tăng thứ hạng từ #13 trong kỳ học đầu tiên và hạ cánh top #1 ở kỳ cuối, hoàn thành chương trình học sau 3,5 năm. Nhưng khi lý thuyết càng rộng và ở tầm chiến lược, bạn nên có kinh nghiệm thực tế trước thì mới “ngấm” và vận dụng chúng hợp lý, không máy móc. Do đó, dù bạn theo học các chương trình thạc sỹ không yêu cầu kinh nghiệm việc làm cũng nên có kinh nghiệm làm việc trước nhé.
Ồ và đương nhiên phần chia sẻ ở trên cũng chỉ là dựa trên kinh nghiệm của bản thân mình trong bối cảnh là ngôi trường Kinh tế Quốc dân và mình có thể quản lý thời gian khá tốt để việc đi làm không ảnh hưởng đến việc học, thậm chí còn hỗ trợ cho việc học tốt hơn. Nếu bạn thấy việc đi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập, hãy dừng lại suy nghĩ xem đâu là mục tiêu chính của bạn.
Sau khi được “phá băng”, hiểu về lợi ích của học lý thuyết, mình đã thích đọc sách hơn chút đỉnh. Vậy nên, rất có thể sắp tới các bạn sẽ thấy mình chia sẻ về kiến thức và review sách nhiều hơn đó nhé!
Trả lời