ASO (App Store Optimization) là một kỹ thuật tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng, nhằm tăng số lượng người tải và tăng vị trí xếp hạng của ứng dụng trên cửa hàng (App store, Google play, Amazone appstore,…).
Các yếu tố chính của ASO bao gồm:
1. Từ khóa (keyword):
Đây là xương sống của ASO vì nó dường như xuất hiện ở mọi chỗ. Hãy lựa chọn từ khóa phù hợp với ứng dụng, đảm bảo lượng search đủ lớn và có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường. Ngoài ra với các ứng dụng mang tính thời điểm thì bạn còn cần quan tâm đến các từ khóa trend nữa.
Ví dụ, nếu bạn có một ứng dụng giúp người dùng tập yoga, bạn có thể chọn từ khóa như “tập yoga”, “giảm cân bằng yoga”, “hỗ trợ tập yoga” để tối ưu ASO.
2. Tiêu đề hay tên ứng dụng (title):
Tiêu đề ngắn gọn, chứa từ khóa liên quan và thể hiện rõ mục đích của ứng dụng. Cả Google play và App store đều giới hạn tên app dưới 30 ký tự. Hiện tại các nền tảng này cũng chưa cho phép A/B testing để tìm ra tên ứng dụng hiệu quả nhất. Vì vậy hãy cân nhắc và lựa chọn một cái tên ngắn gọn, dễ nhớ, gây ấn tượng để thu hút người dùng bạn nhé.
Ví dụ, tiêu đề của ứng dụng của bạn có thể là “Yoga Master – Hỗ trợ tập yoga tốt nhất”.
3. Mô tả ứng dụng (description):
Mô tả rõ ràng, chứa từ khóa và giới thiệu chức năng của ứng dụng. Có hai loại mô tả là mô tả ngắn và mô tả dài. Với App store, nền tảng này không có mô tả ngắn nhưng có sub-title là phần tương tự mô tả ngắn, có thể coi là chỉ khác cái tên mà thôi.
Ví dụ về mô tả ngắn: “Ứng dụng tập yoga chuyên nghiệp giúp bạn giảm cân, tăng sức khỏe và sự tự tin”.
4. Ảnh chụp màn hình (screenshot):
Sử dụng hình ảnh chân thực và đẹp mắt để giới thiệu về ứng dụng, tăng sức hút, giúp người dùng có ấn tượng tốt, biết rõ hơn về giao diện và tính năng của ứng dụng dù chưa trải nghiệm app.
5. Video:
Sử dụng các video để truyền tải thông điệp tốt hơn. Tuy nhiên hãy đảm bảo video ngắn gọn, súc tích, vào vấn đề nhanh và chắc chắn rằng người dùng có thể hiểu được video của bạn dù không bật âm thanh. Trong mảng app game thì yếu tố video được sử dụng rất rộng rãi và khai thác triệt để.
6. Đánh giá và phản hồi (review and rating):
Sử dụng đánh giá tích cực và phản hồi của người dùng để tăng uy tín và sự tin cậy của ứng dụng. Từ đó giúp tăng số lượng người tải xuống. Bạn có thể thêm một số logic trên app để đề xuất người dùng rating 5 sao nhận các phần quà. Hoặc tăng rating bằng việc mua từ bên thứ 3. Hay trao đổi rating trong các hội nhóm. Trường hợp bạn mua hay đi trao đổi rating, tức là bạn có thể chủ động cho nội dung phản hồi, hãy cố gắng chèn thêm từ khóa vào những phản hồi đó nhé. Cố gắng giữ ứng dụng của bạn có rating 4,5+.
7. Tỷ lệ tải về và cài đặt (CR và install):
Tỷ lệ tải app và cài đặt càng cao thì độ tin cậy của ứng dụng càng tăng. Google sẽ thích những ứng dụng như thế và sẽ đề xuất ứng dụng nhiều hơn. Phần tăng lượng cài có thể tác động bằng việc chạy quảng cáo thay vì chỉ làm ASO đơn thuần. Khi bạn kết hợp ASO với chạy quảng cáo cài đặt ứng dụng, nó sẽ giúp tác động ngược lại ASO, giúp bạn có các lượt tải tự nhiên nhờ quảng cáo (bạn có thể tìm hiểu thêm thuật ngữ Organic Uplift). Mình thấy rõ ranking category (thứ hạng trong ngành hàng) tăng vù vù mỗi khi chạy quảng cáo nhiều và sụt giảm mạnh khi dừng hay cắt giảm chi phí. Điều này đúng với cả các ứng dụng Android và iOS.
8. Thời gian sử dụng (Time on site):
Thời gian sử dụng dài càng tốt. Ứng dụng cần tạo ra được nhiều tương tác với người dùng. Một số cách có thể kể đến như: bổ sung một số trò chơi, tạo động lực học qua huy hiệu hay thành tích, gửi thông báo để giữ chân người dùng… Việc khiến người dùng sử dụng app lâu và tương tác nhiều cũng sẽ giúp họ hình thành thói quen và trở thành khách hàng trung thành, dễ dàng hơn trong việc nâng cấp ứng dụng.
9. Tối ưu URL:
Sử dụng URL ngắn gọn và dễ nhớ để dễ dàng truy cập đến ứng dụng. Hãy chèn cả từ khóa trong tên ứng dụng nhé. Phần này thực hiện ngay từ những giai đoạn đầu, trước khi phát hành ứng dụng nên người quản lý dự án cần nắm được để tránh những điều chỉnh sau đó sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp.
Ví dụ: yoga.yogamaster.com là tên URL của ứng dụng tập yoga của bạn.
Đây là tên một số URL ứng dụng của mình:
com.jaemy.koreandictionary (ứng dụng từ điển tiếng Hàn)
com.korean.migiitopik (ứng dụng luyện thi TOPIK tiếng Hàn)
10. Backlinks:
Sử dụng các liên kết ngoài tới trang của ứng dụng để tăng uy tín và tối ưu hóa tìm kiếm. Được giới thiệu và công nhận bởi các nguồn uy tín sẽ giúp bạn tăng trưởng người dùng và cả thương hiệu của ứng dụng nữa đó.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến ASO như: tên nhà phát triển, tần suất update ứng dụng, số lượt mua hàng, tốc độ tải, dung lượng app,…
Chú ý rằng, ASO là một quá trình liên tục và cần thời gian để thấy kết quả. Do vậy đừng quá nóng vội. Nếu bạn làm ASO tốt, ứng dụng sẽ thu hút được hàng chục, hàng trăm ngàn lượt tải mỗi tháng với chi phí cực thấp và hiệu quả lâu dài mà người dùng thu về lại rất chất lượng.
Cái gì cũng có giá của nó và đối thủ của bạn cũng đang làm ASO. Bạn cần phải theo dõi và cập nhật thường xuyên các yếu tố trên để đảm bảo rằng bạn luôn đứng đầu trong kết quả tìm kiếm và tăng số lượng người tải xuống cho ứng dụng của mình.
Mình sẽ còn viết tiếp các chủ đề về ASO! Nếu có thắc mắc hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nhé.
Trả lời