“Không biết không biết” là một trong 14 khái niệm tôi được học trong chương trình “Chuyển hóa tư duy lãnh đạo – Kiến tạo đột phá”, và cũng là 1 trong những khái niệm tôi tâm đắc nhất.
Cùng tìm hiểu “Không biết không biết” là gì và Vì sao chúng ta lại không biết
![](https://thanhvancloud.com/wp-content/uploads/2024/06/Khong-biet-khong-biet-1024x577.png)
Lưu ý tới các bạn: nội dung trong bài viết này đã được “lọc qua lăng kính ngôn ngữ” của tôi và trao đổi với những người quản lý khác, không phải nội dung hoàn toàn được chia sẻ bởi chuyên gia. Mọi người đọc và cùng chia sẻ quan điểm của nhau bên dưới bài viết này nhé!
Để đạt được những mục tiêu đột phá, cách làm hiện tại có thể đã không còn hiệu quả. Lúc này chúng ta cần có một cách làm mới. Chúng ta có thể biết rằng mình biết hay không biết cái gì, và cũng không biết là mình biết và không biết cái gì. Trong khuôn khổ bài giảng của chuyên gia, chuyên gia tập trung vào 3 điều: biết là mình biết, biết là mình không biết, và không biết là mình không biết. Và còn có điều không biết là mình biết, bởi có thể chúng ta đã lỡ quên hay bị một “thế lực vô hình” nào đó ngăn chúng ta khẳng định điều mình biết như sự tự ti của bản thân, hay sự thiếu quan sát chẳng hạn.
Những điều chúng ta biết là mình biết hay biết mình không biết rất ít so với những gì chúng ta không biết là mình không biết. Nhưng điều nguy hiểm là chúng ta lại cảm thấy “bình thường” và chấp nhận với điều đó – chấp nhận vùng sáng nhỏ bé của bản thân. Trong khi vùng tối – điểm mù lại quá lớn, ngăn cản việc chúng ta có thể tạo ra những đột phá cần thiết cho tương lai khao khát. Tôi nói vậy không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của vùng sáng. Nếu chúng ta không có nền tảng hiểu biết của vùng sáng thì việc thử nghiệm cách làm mới có thể thất bại gây tốn kém thời gian, nguồn lực, đi chệch hướng hay có thêm những rủi ro khác.
Nếu chúng ta biết vùng tối của bản thân thì chúng ta sẽ có nhiều cách làm hơn. Và đương nhiên, như vậy chúng ta sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Bạn có từng nghe về Edison và hơn 10.000 lần thất bại của ông để mang đến ánh sáng cho nhân loại không? Ông ấy đã dùng hơn 10.000 lần thử tức là hơn 10.000 cách khác nhau mới đem lại kết quả. Phải chăng chúng ta chỉ có thể nghĩ ra 3, 4 cách và khi thất bại đã chán nản bỏ cuộc? Đấy chính là điều ngăn bước chúng ta trở thành “nhà phát minh vĩ đại”.
Biến vùng tối thành vùng sáng, mở rộng vùng sáng của bản thân
Một số lý do tôi nghĩ đến khi trả lời câu hỏi “vì sao chúng ta lại không biết không biết nhiều đến vậy”:
- Lười suy nghĩ
- Lười tìm hiểu
- Ngại thay đổi
- Bảo thủ cá nhân
- Sợ rủi ro, thích sự an toàn
Vậy làm thế nào để khám phá những điều “không biết là mình không biết”?
Một vấn đề có 3 tầng chiều sâu: biết – hiểu – làm được. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến việc “biết” thôi nhé! Đây là một số gợi ý để chúng ta biết những điều không biết không biết:
- Hãy quan sát xem những người xung quanh ta đang làm như thế nào
- Phỏng vấn sâu ai đó
- Tìm hiểu thông qua sách vở, tài liệu
- Thay đổi môi trường để có trải nghiệm mới
- Tư duy ngược
- Bắt đầu bằng biết mình không biết
- Hỏi chuyên gia
- (Có rất nhiều cách khác nữa, tôi nghĩ bạn có thể tham khảo các kỹ thuật phân tích trong cuốn BABOK để tìm ra điều không biết không biết)
Tư duy ngược
Tư duy ngược là bạn thử một góc nhìn mới đi ngược lại với tư duy thông thường để giải quyết vấn đề. Tôi biết đến tư duy ngược thông qua một câu chuyện:
Trong thời chiến, người ta kiểm tra những chiếc máy bay có thể an toàn trở về căn cứ sau khi bị trúng đạn. Những chiếc máy bay có thể trở về thường bị hỏng nặng phần cánh nhưng phần thân lại không ảnh hưởng. Theo suy nghĩ thông thường, chúng ta sẽ gia cố cho những chiếc cánh được chắc chắn hơn. Nhưng nếu tư duy ngược, chúng ta sẽ thấy rằng phần thân máy bay là bộ phận quan trọng nhất để giữ cho chúng an toan trở về, điều cần làm lúc này là gia cố thân máy bay.
Bắt đầu bằng “biết mình không biết”
Việc “hỏi chuyên gia” cũng đưa ra một số “tranh cãi” nhỏ trong đội nhóm quản lý tôi trao đổi cùng. Bởi lẽ, chúng ta đang không biết là mình không biết cái gì để hỏi chuyên gia ở lĩnh vực nào, và hỏi họ cái gì. Bắt đầu từ việc tìm hiểu những vấn đề mình biết là không biết trước cũng là một ý tưởng hay.
Tiện đây tôi cũng nêu một case study của mình. Thứ 2 vừa rồi, tôi đã có một cuộc nói chuyện với một du học sinh tại Hàn để tìm hiểu về 2 lí do tôi băn khoăn: (1) Tại sao người học tiếng Hàn lên trình độ cao lại ít dùng app, (2) Kênh thanh toán phổ biến cho người Việt tại Hàn. Tôi đã nhiều lần phải wow lên rằng đây là thông tin hữu ích mà trước giờ tôi không biết hay không nhận ra.
- (1) Từ “biết là mình không biết” chuyển thành “không biết là mình biết“: Khi mới học, người học thiếu định hướng và ngại đầu tư vào các khóa học ở trung tâm hơn nên chọn app là kênh để định hướng học và làm quen với ngôn ngữ trước với mức giá hợp lý. Càng lên trình độ cao thì nhu cầu học càng chuyên sâu, đòi hỏi tài liệu rất chuyên ngành và người học muốn ghi chép lên giấy vở hơn là học trên app. App hiện tại không đủ chuyên sâu và đem đến các trải nghiệm thay thế sách vở truyền thống. Ồ bản thân tôi là người học ngoại ngữ khi mới học hay lên trình độ cao cũng vậy. Nhưng tôi lại thiếu quan sát và nhận thức ra điều đó.
- (2) Từ “biết là mình biết” thành “không biết là mình không biết“: tôi đã tìm đọc các bài báo và biết được rất nhiều kênh thanh toán phổ biến tại Hàn để chuyển tiền về Việt Nam. Trước đó, tôi cũng có hỏi 3 người nước ngoài tại Hàn nhưng không nhận thêm thông tin mới. Tôi đã nghĩ đó là tất cả các cách khả thi hiện tại. Tuy nhiên trong buổi trò chuyện với bạn du học sinh ấy, tôi cẩn thận nêu lại những kênh thanh toán mà tôi biết với hi vọng có thể biết thêm những kênh thanh toán khác. Thật bất ngờ, bạn ấy kể ra 3 ứng dụng chuyển tiền rất phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Hàn (GMoney, Hanpass, SBI) nhưng cả 3 cái tên tôi đều không đề cập chút nào trong danh sách các kênh chuyển tiền mà mình định triển khai.
Thật sự không biết không biết là một khái niệm khá dễ hiểu nhưng để thực hành được nó thì đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng, mối quan hệ. Gấp 1000 con hạc giấy sẽ đổi được 1 điều ước, nhưng tôi không biết tìm ra bao nhiêu “không biết không biết” mới đổi lại thành công nhưng tôi tin chắc chắn sẽ thành công!
Chúng ta cùng thử và tìm ra số lượng “không biết không biết” để thành công nhé.
Trả lời